Văn học

Tiểu thuyết là gì? Một số đặc điểm, thể loại của tiểu thuyết

Tiểu thuyết ngày nay xuất hiện khá phổ biến trong đời sống, hẳn là chúng ta có nhiều người đã từng đọc một cuốn tiểu thuyết hoặc là xem phim được chuyển thể từ nó. Nhưng có lẽ nhiều bạn chưa hiểu rõ tiểu thuyết là gì và nó có đặc điểm như thế nào. Chúng ta cùng tìm hiểu ở bài viết bên dưới nhé!

Contents

I. Tiểu thuyết là gì?

Tiểu thuyết là gì?

Tiểu thuyết là một thể loại văn xuôi, thông qua nhân vật có thật hoặc hư cấu, hoàn cảnh, sự việc để phản ánh những vấn đề của cuộc sống, những bức tranh xã hội rộng lớn. Tiểu thuyết thường biểu hiện tính chất tường thuật gián tiếp, tính chất kể chuyện theo những chủ đề xác định nào đó.

II. Cấu trúc của tiểu thuyết

Tiểu thuyết có nhiều dạng cấu trúc tương đối khác nhau tùy theo sở trường, chủ đề của người viết. Tuy thường gặp những tiểu thuyết không có quy phạm cố định, không chịu chế định chặt chẽ, đôi lúc phá vỡ các khuôn mẫu để sáng tạo, vận dụng một cách linh hoạt hình thành nên những diện mạo mới. Nhưng cấu trúc cốt lõi nhất của tiểu thuyết gồm 3 phần sau:

1. Chương

Các chương thường xoay quanh bởi một nhân vật tạo nên một phần nhỏ của cuốn tiểu thuyết.Để sắp xếp các sự kiện và phát triển chúng trong tiểu thuyết tác giả cần phân chia ra thành các chương. Ngoài ra, ở các tiểu thuyết lớn thì nhóm lại các chương để tạo nên một phần lớn hơn, có thể nhóm theo không gian ( địa điểm), thời gian. Tuy nhiên đối với những tiểu thuyết ngắn thì không cần làm như vậy.

2. Nhân vật

Nhân vật là phần không thể thiếu đối với bất kì cuốn tiểu thuyết nào. Tác giả phân tích tâm lý, đặc điểm từng nhân vật để khắc họa nên từng màu sắc cho tác phẩm của mình. Ví dụ về các loại nhân vật như nhân vật chính diện và nhân vật phản diện. Bằng vào việc miêu tả hành động, tâm lý , tính cách của nhân vật để tạo nên sự tương phản giữa chính diện và phản diện. Từ các yếu tố đó cùng với các tình huống, dựng khung cảnh để tạo nên sự xung đột giũa hai tuyến nhân vật này. Một cuốn tiểu thuyết có thể được nhân vật chính kể lại ( ngôi thứ nhất) hoặc giọng bên ngoài với mức độ hiểu biết khác nhau ( ngôi thứ ba).

3. Cốt truyện

Cốt truyện chủ yếu là xác lập mối quan hệ giữa các nhân vật, người đọc, người kể chuyện; cấu thành nên trật tự sự kiện, điểm nhìn để dẫn dắt người đọc theo cảm xúc của các nhân vật. Cốt truyện cần linh hoạt, tự do trong việc mở đầu và kết thúc.

III. Đặc trưng của tiểu thuyết

Tiều thuyết có 6 Đặc trưng cơ bản.

1. Tính chất văn xuôi: Nó cũng giống như truyện ngắn đều mang hình thức tự sự, nhưng tiểu thuyết là tự sự cỡ lớn ( loại cao cấp nhất), tính chất văn xuôi. Chính vì tính chất đó tạo nên thể loại bao hàm toàn bộ hiện thực, khắc họa cuộc sống đa màu, con người rất thực có cao thượng- thấp kém, nghiêm túc- cợt nhả, có chính- tà, cũng có thể là đa nhân cách.

2. Nghệ thuật kể chuyện: Giọng điệu chính của tiểu thuyết là lấy nghệ thuật kể chuyện với sự đa dạng về phong cách: người kể chuyện như một nhân vật trung gian, hoặc có thể là một nhân vật khác trong tác phẩm, cũng có thể nhân vật xưng tôi. Người viết tiểu thuyết đứng trên nhiều chủ thể, đa điểm nhìn tạo nên các tác phẩm mang đậm tính trần thuật.

3. Khả năng phản ánh toàn vẹn hiện thực: Tiểu thuyết miêu tả hiện thực như cái đương thời của người trần thuật. Nó có khả năng bao quát lớn về độ dài rộng của thời-không, thể hiện một cách tỉ mỉ về đời người, cái chính yếu của thế giới, mọi mối quan hệ giữa người với người, giữa con người với thế giới xung quanh.

4. Hư cấu nghệ thuật: là một sắc thái đặc trưng không thể thiếu đối với thể loại này. Trong lịch sử phát triển, họ tạo nên những nhân vật vượt xa những nguyên mẫu ngoài đời thực hay câu chuyện không hiện thực, hư cấu như sử học, thể ký. Giữa những thăng trầm của lịch sử, hàng vạn khuôn mặt đời thường, nhà văn sử dụng các thủ pháp nghệ thuật khắc họa bức tranh đời sống bằng các phương thức sáng tạo, tổng hợp và chọn lọc. Họ chấp nhận hư cấu như là một yếu tố tất yếu để tái hiện những sự thật của hiện thực đời thường.

5. Tính đa dạng về màu sắc thẩm mỹ: đây cũng là một sắc thái đặc trưng tiêu biểu của tiểu thuyết. Không như truyện ngắn hay một số thể loại văn học khác thường chọn lấy một vài tiêu chí nào đó để tạo nên màu sắc chủ đạo của tác phẩm. Mà ở tiểu thuyết, để tạo nên bức tranh muôn màu về hiện thực, tác giả phối hợp, chuyển hóa, pha trộn lẫn nhau của các sắc thái thẩm mỹ: con người không đồng nhất với chính nó ( người địa vị thấp có thể cao thượng, kẻ địa vị cao có thể thấp hèn), đôi khi nhân vật tự mang trong mình thiên- ác, tốt- xấu… đồng thời.

6. Bản chất tổng hợp: Tiểu thuyết tổng hợp các phong cách ngôn ngữ khác nhau của các thể loại văn học ( như sử thi, thơ, trường ca, kịch…), thậm chí các bộ môn khoa học như Đạo đức học, Phân tâm học, Tâm lý học để khắc họa rất thực nhất từng tuyến nhân vật, bản sắc mỗi con người.

IV. Những thể loại của tiểu thuyết 

Các thể loại tiểu thuyết theo phương Đông và phương Tây.

1. Thể loại tiểu thuyết ở phương Đông (Trung quốc)

  • Tiểu thuyết chương hồi: Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử, Tây du ký….
  • Tiểu thuyết truyền kỳ: Nam kha Thái thú truyện, Hồng Nhiễm khách truyện ( Việt Nam có Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm).
  • Tiểu thuyết thoại bản: Đông Chu liệt quốc, Tam ngôn
  • Tiểu thuyết chí quái: Liêu trai chí dị, Sưu Thần Ký
  • Tiểu thuyết ngôn tình: là thể loại mà các yếu tố được lãng mạn hóa, đề cao về tình yêu nam nữ.

2. Thể loại tiểu thuyết phương Tây

  • Tiểu thuyết tự truyện (autobiographical novel): tác giả tự kể lại đời mình một cách khách quan cũng có thể có một phần hư cấu như tác phẩm:Những trường đại học của tôi của M. Gorki, Thời thơ ấu, Kiếm sống.
  • Tiểu thuyết tâm lý (psychological fiction): tập trung phân tích diễn biến tâm lý, hành vi của các nhân vật như tác phẩm Đồi gió hú, Kiêu hãnh và định kiến, 1984….
  • Tiểu thuyết giáo dục: kể về con đường trưởng thành của một con người như David Corpefil của Dickens.
  • Tiểu thuyết lịch sử (historical novel): Đề tài là những sự kiện, nhân vật lịch sử, có thể có một số chi tiết hư cấu nhưng về cơ bản là tôn trọng sự thật lịch sử.
  • Tiểu thuyết trinh thám (roman detective): Thám tử là nhân vật chính của câu chuyện kể về hành trình phá án của mình, tình tiết được giữ bí mật cho đến kết thúc tác phẩm. Các tác phẩm nổi tiếng như Sherlock Holmes, Strangers on a train
  • Tiểu thuyết kinh dị (gothic novel): xuất hiện vào cuối thế kỷ 18 ở Anh, với cốt truyện kết hợp các câu chuyện giật gân, kinh dị, sức mạnh siêu nhiên, ma quỷ.
  • Tiểu thuyết du đãng (picaresque novel): Xuất hiện đầu tiên ở Tây Ban Nha,nhân vật trung tâm là những kẻ bợm tháo vát,hài hước, thông minh, chuyên lừa gạt và ưa phiêu lưu. Ví như tác phẩm Gil Blas ở Santillanne của Alain-René Lesage.
  • Tiểu thuyết hiệp sĩ (chevalric romance): là thể loại văn học tao nhã thời trung đại xuất hiện ở thời Trung đại, thời kỳ thịnh vượng của đẳng cấp hiệp sĩ, nhân vật chính là hiệp sĩ được mô tả cá thể hóa đi lập công vì người tình và vì vinh quang. Tiêu biểu là câu chuyện Tristan và Iser, các tiểu thuyết về vua Arthur.

Trên là một số phân tích về tiểu thuyết là gì và những vấn đề liên quan tới nó. Tiểu thuyết ra đời đã lâu, các thể loại cũng xuất hiện ngày càng phong phú theo quá trình phát triển nhân loại. Tuy nhiên hiện nay, phần lớn giới trẻ vẫn yêu thích nhất là các tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc. Tiểu thuyết là những câu chuyện dài, đòi hỏi người đọc cần kiên trì thì mới cảm nhận được  những cái hay của nó. Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi.

Bạn cũng có thể thích..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *