Truyện ngụ ngôn là gì? Có lẽ chúng ta đã không còn nhớ rõ khái niệm này đã từng học tại môn ngữ văn hồi cấp 2 rồi. Bây giờ chúng ta sẽ lược qua đôi nét về thể loại văn học này qua bài viết sau nhé!
Contents
I. Khái niệm
Truyện ngụ ngôn là truyện dân gian được kể bằng văn vần hoặc văn xuôi, mang tính giáo dục. Dùng biện pháp nghệ thuật nhân hóa, ẩn dụ các loài vật, con người nhằm nêu lên luân lý, triết lý và quan niệm nhân sinh hoặc là để phơi bày, phúng dụ về những thói hư thật xấu, thực tế xã hội nhằm răn dạy, khuyên nhủ con người .
Đều là thể loại truyện ngụ ngôn nhưng ở mỗi quốc gia, mỗi khu vực có tên gọi hoàn toàn khác nhau. Ở Nga truyện ngụ ngôn được gọi là Basnia, còn ở Pháp lại gọi là Fable.
II. Lịch sử truyện ngụ ngôn
Truyện ngụ ngôn ra đời khá là lâu, theo như nghiên cứu các nhà sử học thì nó đã xuất hiện thời cổ đại tại các nền văn hóa của các dân tộc như Ấn Độ, Trung Quốc, Hy Lạp, Ai Cập… Trong cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, con người thường quan sát tìm hiểu các con vật, nhận thấy một số đặc tính tiêu biểu rồi gán ghép với tính cách con người. Con người thường dùng những câu chuyện về loài vật để nói về chính mình, từ đó truyện ngụ ngôn ra đời
Truyện ngụ ngôn tại Việt Nam cũng ảnh hưởng một phần lớn bởi truyện ngụ ngôn Trung Quốc. Nhân dân thường dùng những hình tượng cụ thể, gần gũi, tiêu biểu rồi đem ẩn dụ, ví von nhằm diễn đạt cái trừu tượng. Truyện ngụ ngôn thường ngắn gọn, đơn giản nên có thể lưu truyền bằng văn nói lẫn văn viết.
III. Nội dung truyện ngụ ngôn
1. Truyện ngụ ngôn có nội dung đả kích giai cấp thống trị.
Tại các hình thái xã hội, giai cấp thống trị luôn có những kẻ lợi dụng quyền thế để chà đạp, bóc lột, cướp của hại người. Nhân dân dùng truyện ngụ ngôn làm vũ khí đấu tranh, đả kích thói ngang ngược, hách dịch của tầng lớp thống trị.
2. Truyện ngụ ngôn phê phán thói hư tật xấu con người
Truyện ngụ ngôn mang tính giáo dục con người về đạo đức, châm biếm, phê bình các thói xấu như tính lười biếng ham chơi( Rùa và thỏ), thói nhìn lệch lạc phiến diện( Thầy bói xem voi), thói tham lam ảo tưởng (thả mồi bắt bóng)…
3. Truyện ngụ ngôn mang tính triết lý, quan niệm nhân sinh.
Trong suốt quá trình tồn tại và phát triển, ông cha ta đã đúc rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm thực tiễn. Họ mượn truyện ngụ ngôn để truyền tải đó nhằm khuyên răn con người sống cần phải có tình đoàn kết ( Câu chuyện bó đũa), bản thân phải có chính kiến và lập trường ( Đẽo cày giữa đường), sự kiên trì và sáng tạo ( Con quạ và cái bình bước).
IV. Cấu trúc truyện ngụ ngôn
1. Phần nội dung
Đa phần các tác phẩm truyện ngụ ngôn đều lấy hình tượng của các con thú, gia súc… cùng với đó là những đặc điểm của chúng như cáo thì ranh mãnh, thỏ thường nhút nhát… Để phúng dụ những tồn tại của xã hội hiện thực, để châm biếm, chế diễu thói xấu con người. Những câu chuyện thường hay mang tính hài hước buồn cười được tạo dựng bởi nhân vật và sự kiện đơn giản.
Kết cấu truyện ngụ ngôn thường ngắn, tình tiết không phức tạp gắn liền với hiện thực đời sống, mọi người đều dẽ nhớ, dễ tiếp thu hơn so với rất nhiều thể loại văn học khác.
2. Phần ý nghĩa
Tuy phần nội dung mang tính giải trí, nhưng phần ý nghĩa được ẩn chứa trong cốt truyện cần người đọc tự rút ra. Đó là những bài học lý lẽ, đạo đức, những chiêm nghiệm về cuộc đời, quan niệm nhân sinh.
Giá trị mà truyện ngụ ngôn đem lại cho kho tàng văn học dân gian rất lớn bởi nó quá chân thực đời thường, tuy câu chuyện ngắn nhưng ý nghĩa lại thấm thía, lắng đọng, sâu xa. Đọc truyện ngụ ngôn hay đem lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá để nâng cao nhân cách, đạo đức, và những kinh nghiệm sâu sắc cho bản thân.